Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
230619
 BÁO CÁO

TỔNG HỢP KẾT QUẢ SƯU TẦM TƯ LIỆU DƯ ĐỊA CHÍ

 

(ĐÃ CHỈNH SỬA, BỔ XUNG)

 

* Tên gọi:   Xã Thiệu Minh

* Lịch sử hình thành:

- Trước năm 1945 xã có làng Ngô Xá Thượng (trước đó nữa gọi là Ngô Xá Trang, sau này là làng Đồng Bào), và Ngô Xá Hạ (nay là làng Đồng Chí) thuộc tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Thiên, còn làng Hà Xá (còn gọi là Hà Thanh hay Đồng Minh) thuộc huyện Lôi Dương (từ thời Thành Thái triều Nguyễn), sau đó thuộc phủ Thiệu Thiên, tổng Xuân Lai.

- Làng Đồng Bào và Đồng Chí ngày xưa còn có tên gọi là kẻ Ngò

- Từ 8 - 1945 đến 6 - 1 - 1946 giải tán phủ, tổng tên mới là xã Đại Đồng huyện Thiệu Hoá gồm các làng Đồng Bào, Đồng Chí, Đồng Minh, Đồng Thanh, Đồng Tiến (Đồng Thanh, Đồng Tiến nay thuộc xã Thiệu Tâm).

- Từ 1947 - 1948 vẫn thuộc xã Đại Đồng. 

- Đến năm 1953 huyện chia lại xã, xã đổi tên mới là xã Thiệu Minh gồm 3 làng Đồng bào, Đồng Chí, Đồng Minh.

* Dân số năm 2017                =

- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên từ

                                                - Hiện nay:           0,33 %

* Diện tích

Tổng diện tích đất tự nhiên:       432,1 ha

Diện tích đất ao hồ, sông suối:   89,22 ha

Diện tích đất đã sử dụng:            320,48 ha

Đất chưa sử dụng:                       2,72 ha

Đất ở:                                           22,68 ha

* Các dòng họ trong xã        

Xã có 62 dòng họ gồm:

 

Thôn Đồng Bào

 

Thôn Đồng Chí

 

Thôn Đồng Minh

1

Nguyễn Đình

19

Hoàng

47

Trần Lương

2

Ngô Văn

20

Hoàng Văn

48

Nguyễn Xuân 1

3

Lê Hữu 1

21

Hoàng Tiến

49

Nguyễn Xuân 2

4

Lê Hữu 2

22

Nguyễn Duy

50

Nguyễn Xuân 3

5

Nguyễn Đình 2

23

Hoàng Đắc

51

Nguyễn Xuân 4

6

Nguyễn Văn

24

Hoàng Đình

52

Nguyễn

7

Lê Viết

25

Hoàng Trọng

53

Lê Xuân

8

Nguyễn Công

26

Trịnh Xuân

54

Lê Bá (mới)

9

Lê Văn

27

Hoàng Bá

55

Lê Trọng

10

28

Lê Đăng

56

Lê Như

11

Nguyễn Đình 3

29

Nguyễn Viết

57

Trịnh Văn 1

12

Nguyễn Bá

30

Nguyễn Tiến

58

Phan Văn (mới)

13

Nguyễn Viêt

31

Vũ Văn

59

Trịnh Xuân

14

Phạm Trọng

32

Hoàng Hữu

60

Trịnh Văn 2

15

Trần Văn (mới)

33

Trần Đức (mới)

61

Lê Văn

16

Trần Văn (mới)

34

Lê Đình (mới)

62

Nguyễn Thanh (mới)

17

Lê Văn (mới)

35

Vũ Hồng (mới)

63

Phạm Văn (mới)

18

Đỗ Xuân (mới)

36

    Nguyễn Trọng (mới)

64

Nguyễn Hữu (mới)

 

 

37

Trần Văn (mới)

 

 

 

 

38

Phan (mới)

 

 

 

 

39

Hoàng Khắc (mới)

 

 

 

 

40

Trần Đình (mới)

 

 

 

 

41

Hoàng Ngọc (mới)

 

 

 

 

42

Hà (mới)

 

 

 

 

43

Lê Thanh (mới)

 

 

 

 

44

Nguyễn Văn (mới)

 

 

 

 

45

Nguyễn Mạnh (mới)

 

 

 

 

46

Phạm Duy (mới)

 

 

 

Trong đó họ Hoàng ở làng Đồng Chí là lớn nhất.

* Sông ngòi

Xã có sông Chu (sông tự nhiên) chảy qua (địa phận xã dài 4,5 km), trước đây sông còn rất nhỏ, chỉ như một con lạch, dần dần do tự nhiên mưa lũ sói mòn sông được mở rộng như ngày nay, và có đoạn thuộc thôn Đồng Minh bị đổi dòng, trước đây khu vực đó là bãi cát, nhưng từ khi phía bên tả ngạn kè lát đá nên dòng nước đã tập trung đổ sang phía hữu ngạn sông Chu thuộc địa phận thôn Đồng Minh, làm mất hoàn toàn bãi cát khu vực đó và vẫn đang tiếp tục sói lở đất sâu vào trong.

Thời Pháp thuộc và trước đó nhân dân địa phương thường đánh bắt cá trên sông, dùng nước sông là nguồn nước chính để sinh hoạt.

Còn một con sông nữa chảy qua địa phận xã Thiệu Minh là sông Nông Giang hay còn gọi là Kênh Bắc (sông đào), thực tế là một con kênh lớn chủ yếu phục vụ nước tưới cho các huyện đồng bằng hữu ngạn sông Chu trong đó có toàn bộ cánh đồng của Thiệu Minh.

Sông Chu đoạn chảy qua địa phận của Thiệu Minh có đò ngang đi qua nhưng không có bến, có 3 bến đò ngang: Đò Vả, Đò Chuộc, Đò Là, hiện vẫn còn sử dụng, chủ yếu phục vụ người đi bộ giao lưu giữa hai bên bờ sông Chu.

* Các Đầm mau, hồ, dọc của địa phương gồm:

Mau Ngò (nằm bên bãi giáp xã Thiêu Toán), hồ Đồng Mát, hồ Nổ Nẻ, hồ Đồng Nẫn, hồ Nổ Xẻ (các hồ này thực chất là những nơi lấy đất để đắp bờ đê Kênh Bắc trở thành hồ) hồ Phe, hồ Sen, (nay gọi là Bổng trên Bổng dưới, là những hồ dấu tích của vỡ để năm 1954 và 1945), đều thuộc địa phận làng Đồng Bào, ngoài ra còn có hồ Đông (giáp đê sông Chu, thuộc địa phận thôn Đồng Chí, không rõ xuất xứ)

Ngày trước làng Đồng Bào tổ chức đánh cá cộng đồng tổ, hội. Cả làng có 5 tổ, thường đi đánh bắt cá ở xa. Công cụ đánh bắt chủ yếu là lưới túi, nơm, dặm, đó...

* Chợ:

Xã xưa kia có chợ Ngò thuộc địa phận thôn Đồng Chí (Nằm phía bên bãi sông), trên chợ dưới bến buôn bán tấp nập. Hàng hoá chủ yếu là là trao đổi mua bán nông, lâm, hải, sản... cho nhân dân trong vùng và với lái buôn bằng thuyền ở nơi khác đến, và buôn bán cả trâu bò. Năm 1923, làng có cụ cử nhân Hoàng Văn Khải (hay còn gọi là cụ Cử Cả, Cử Ngò) làm quan trong Triều đình nhà Nguyễn, cụ nói để chợ tất sẽ sinh kẻ cắp, dân làng từ đó mà sẽ sinh hư nên cụ bàn với các cụ trong làng cấm chợ và di dời chợ sang Thiệu Chính (chợ Đu) từ đó không còn chợ Ngò nữa.

* Tên các xứ đồng gò của Thiệu Minh:

- Ở Đồng Bào: Cồn Bái, cồn Công, cồn Chùa, cồn Bù, Bù Bà, đồng Tròn, đồng Mát, đồng Lổ, Chưởn, Nổ Nẻ, học ông Tâm, vườn Háu, bờ Bổng, hồ Phe, Nổ Lội...

- Ở Đồng Chí: Yên Ngựa, Tàn Hoa, La Lả, đồng Bái, cồn Bái, đồng Đản. cồn Điếm, đồng Nẫn, cồn Nẫn, cồn Con Cá, Ao Cuồng, Mã Mèo, cồn Củ, Nổ Xẻ, Nổ Bón, đồng Mí, cồn Mý, Mua Đất, cồn Mốc Mạnh, cồn Thay Lảy, Vụng, đồng Chọm, Quay Mau, đồng Chó, Mùa Cua, cồn Cửa, đồng Cửa, Gốc Sộp, Quỷnh, đồng Hà ... Trong đó có Cồn Bái (trước đây rậm rạp là nơi hoạt động, hội họp của các nhà hoạt động Cách mạng, và ở cồn Cửa có cồn Mả Tổ là nơi cán bộ Việt Minh tổ chức thuyết trình, giác ngộ cách mạng cho nông dân

- Ở Đồng Minh: Mã Lộn, Đồng Chảy, Vụng, Nẫn, Phủ (có Phủ Ông Tào), đồng Cụt, Cửa Đình, Nghè (có Nghè thờ thần Hoàng Làng, đồng Bảy, cồn Trầm, Ngã Tư, đồng Tú, đồng Lăng (có lăng bà Công Chúa nhà Trần), Trạnh Đàng, Mùa Cua...

* Các loại cây trồng truyền thống đặc sản:

Ngoài lúa, ngô, khoai là cây trồng chính, ngày xưa các làng trong xã còn trồng các loại cây như: đậu tương, bông, kê, lạc vừng, mía, kiệu, dưa gang, bầu, cà chua..., cây ăn quả như : dừa, mít, ổi... nhưng không nhiều, chỉ chủ yếu phục vụ trong gia đình, không phải là cây hàng hoá chính

- Tên các loại giống lúa cũ: lúa Gié, lúa Mùa Đỏ, lúa Chậu, Chậu Cánh, lúa Hiên, lúa Hạt Tiêu, lúa Chăm, lúa Ba Trăng, nếp Cái Hoa Vàng, nếp Con, nếp Gà Gáy... , sau này dùng các loại giống lúa của các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất.

* Tên các loại cầu, cống, đập:

Cống Bi Đô (chảy từ Kênh Bắc xuống mương B7, là mương tưới chủ lực phục vụ tưới nước cho cánh đồng Thiệu Minh; cầu Đu (cầu Ngò) bắc qua Kênh Bắc nối giữa xã Thiệu Minh và Thiệu Chính được xây dựng từ khi hình thành Kênh Bắc; cống Nổ Nẻ, cống Đồng Mát, cống Đồng Nẫn, cống Nổ Xẻ là những cống tiêu chảy qua kênh bắc sang Thiệu Chính, Thiệu Tâm.

* Giao thông:

Trước đây (trước năm 1945) có đường quốc lộ chạy qua địa giới của xã, đó là đường Văn Chỉ.

Năm 2000 xã làm dường ô tô về xã bắt đầu từ đường 47 cũ (nay là tỉnh lộ 515)  dọc theo đường B7 lên tận Đồng Bào

Đến năm 2009, cấp trên đầu tư cứng hóa con đường này mặt rải nhựa, nền cấp phối đá từ tỉnh lộ 515 dến dốc vào làng Đồng Bào

Năm 2013, cấp trên tiếp tục đầu tư cứng hóa rải nhựa con đường này doạn từ dốc vào làng Đồng bào lên Bi đo (Kênh Bắc)

Đến năm 2013

* Các di tích lịc sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, miếu, nghè, đền chùa:

Xã có di tích văn hoá là đình làng Ngô Xá Hạ (Còn gọi là đình Chuyên Khoa, tức là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là nơi trường Nguyễn Thượng Hiền của Liên Khu 3 về sơ tán tại dịa phương mượn làm nơi dạy học). Đình kiến trúc theo kiểu đông, tây, kim, cổ kết hợp; phần mái kiến trúc theo kiểu mái đình cổ của phương Đông, có 4 mái, phần hiên, tường, cửa, và bên trong kiến trúc theo kiểu hội trường mới của phương Tây.

          Ở làng Đồng Chí có một cái chuông đồng rất lớn: cao 1.4m, rộng 0,8m đúc thừ thời Gia Long nguyên niên, chuông được đúc rất đẹp, có nghê trầu, trên có nhiều hoa văn nổi, có thể nói là rất đẹp tượng trưng cho văn hoá Việt Nam hồi bấy giờ. Những năm giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc bằng máy bay, chuông được sử dụng làm hiệu lệnh báo động cho nhân dân trong xã và trong vùng. Những năm cuối thập kỷ 70 chuông bị vỡ, đã bị đập vỡ bán đồng nát !!!

Ở làng Đồng Bào và Đồng Minh có Nghè thờ Thần Hoàng làng, nhưng đã di chuyển 1 phần về dựng 2 ngôi đình hiện nay, còn phần chính tẩm và các tượng đá, tượng đồng đều bị phá trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2014 Đình Đồng Bào được công nhận di tích kiến trúc Nghê- thuật cấp tỉnh, năm 2015 Đình Đồng Minh cũng được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Ngoài ra còn có một số miếu như: miếu Bà nhưng đã bị phá.

Cả 3 làng trong xã đều có văn chỉ, võ chỉ, làng Đồng Minh có phủ ông Tào (tức là phủ của một vị quan thời Trần), có lăng mộ bà hoàng hậu Phương Hoa nhà Trần (Phủ Ông Tào và mộ Phương Hoa đã có viết thành sách), nay chỉ còn dấu tích.

Những năm 1980 (không nhớ rõ năm nào) trong khi làm thuỷ lợi người dân phát hiện thấy một ngôi mộ cổ trong quan, ngoài quách, (đoán đó là ngôi mộ Phương Hoa) có báo cáo với các cấp để có biện pháp xử lý, nhưng do sự tắc trách của một số người, nên mộ đã bị kẻ gian đập phá, tìm của, đến nay vẫn còn lại dấu tích.

* Tên các ngõ trước năm 1945:

- Ở Đồng Bào có 2 Ngõ: ngõ Thâu, ngõ Thẹo

- Đồng Chí có các xóm: xóm Hùng, xóm Đoan, xóm Đình ….

- Đồng Minh có 3 Ngõ: ngõ Giữa, ngõ Quan, ngõ Lê.

* Các loại công điền, tư điền trước năm 1945

 Xã có đủ các loại ruộng: ruộng công, ruông tư, ruộng chùa, ruộng họ, ruộng làng văn, làng võ... có 70 % diện tích đất canh tác nằm trong tay địa chủ phong kiến, nhiều nhất là ruộng nhà ông Cử Ngò (tức cử nhân Hoàng Văn Khải)

* Một số nghề phụ khác:

- Nghề đánh bắt cá trên sông, hồ đầm. cách chế biến chủ yếu là phơi khô.

- Làng Đồng Bào có nghề đánh Dơi, bắt Chim, Két... phương tiện chủ yếu là lưới, sập, nỏ, bẩy, lồng..., nghề sơn Tràng (Khoảng dưới chục hộ), khai thác lâm sản như: gỗ, luồng, nứa, cỏ tranh, lá cọ... ở miền ngược về bán ở miền xuôi. phương tiện vận chuyển là dựa vào nước chảy của sông Chu (sau khi khai thác thì kết bè cho xuôi dòng)

- Nghề đổi Mường mang muối mắm, thuốc lào, các sản phẩm nông nghiệp đổi lấy lâm sản: gỗ, luồng, nứa, mây… Khi đi ngược thì gánh gồng đem hàng hoá lên, khi xuôi thì dựa vào dòng nước kết bè như dân sơn tràng đã nói trên)

- Các nghề thủ công truyền thống của làng, xã gồm: Mộc; nề; đúc lưỡi cày (nghề đúc lưỡi cày là nghề nổi tiếng của làng, các thợ thủ công đi tận các làng quê trong tỉnh để thu mua gang phế liệu về đúc lưỡi cày, và xuất sản phẩm hàng hoá lưỡi cày đi nhiều nơi trong tỉnh, đi tận Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc); dệt vải, kéo sợi; đan lát; nấu gạch; làm cối say; kéo mật; làm Tương (Con cháu ông Hoàng Văn Khải mang sang tận Canada để sản xuất và trở thành đặc sản, nghề làm Bún, Bánh, nuôi Tằm... Hiện có một số nghề đã mai một như: kéo sợ dệt vải, kéo Mật, đúc lưới cày, làm cối say...

Nghề buôn bán nông sản đi các chợ huyện, chợ tỉnh. Buôn bán chủ yếu là buôn bán nông sản, thực phẩm ở địa phương sản xuất, để tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm và phục đời sống hàng ngày, chỉ đủ ăn, không có hộ nào trở thành giàu có.

* Đỗ đạt, khoa cử

- Làng Đồng Chí có 2 Cử nhân đó là ông Hoàng Văn Khải, (ông Cử Cả, tức là ông Cử nhân đỗ trước - hay Cử Ngò, tức là Cử của làng Ngò), và ông Hoàng Tiến Cửu (Cử Hai, tức là Cử nhân đỗ sau của làng)

Ông Hoàng Văn Khải đỗ Cử nhân làm quan tại gia, sau này tham gia phong trào Cần Vương, Đảng Tân Việt, bị Thực dân Pháp bắt đày đi Côn Lôn.

Ông Hoàng Tiến Cửu đậu Cử nhân được Triều đình phong làm quan nhưng không nhận mà vê làm nghề thầy thuốc.

- Ở làng Đồng Minh có 3 Tiến sĩ nhưng các cụ không nhớ tên và  cũng không nhớ năm đỗ đạt.

- Ngày nay xã có 2 Phó Giáo sư là Nguyễn Duy Thiết, Hoàng Đình Châu, Nguyễn Hoa Du và nhiều Tiến sĩ.

* Nghề Y

Xã có 6 thầy thuốc nổi tiếng:

- Ông Phạm Trọng Tăng          (Đồng Bào)

- Ông Nguyễn Đình Hoan        (Đồng Bào)

- Ông Hoàng Tiến Cửu            (Đồng Chí)

- Ông Hoàng Tiến Nhị             (Đồng Chí)

- Ông Hoàng Văn Huyên         (Đồng Chí)

- Ông Hoàng Văn Định           (Đồng Chí)

- Ông Hoàng Văn Mai             (Đồng Chí)

Ông  Hoàng Văn Huyên, ông Hoàng Văn Định, ông Hoàng Văn Mai đều là người nhà anh em con cháu ruột thịt của ông Hoàng Văn Khải. Nhưng tài hoa và giàu lòng nhân ái nhất vẫn là ông Cử Hai Hoàng Tiến Cửu, ông không những chữa bệnh cho nhân dân trong xã mà còn nổi tiếng trong vùng, trong tỉnh.        

Riêng ông Phạm Trọng Tăng (Sau truyền nghề lại cho con là Phạm Trọng Hội) là có nghề bốc thuốc đau mắt, chữa hen, thuốc của ông Tăng, ông Hội nổi tiếng khắp vùng gần xa, thuốc rất tốt nhưng giá đắt, nên dân có câu ví: “Đắt như thuốc ông Hội”. Nếu ai bán gì đắt thì dân đều nói lên bán cho ông Hội

Hiện nay các nghề thuốc gia truyền ở làng, xã đều đã thất truyền, chỉ còn nhà ông Hội là truyền lại được cho con trai là Phạm Trọng Khang (hiện nay đang sinh sống ở Hà Trung) nhưng nghề chữa đau mắt dường như đã không giữ được.

* Một số từ địa phương:

- Đi về - địa phương nói là đi viền;    đầu – chốc;  đầu gối – chốc cún

- Con dao – con đao;   con trâu – con tru;    làm sao – mằn răng

- Giặt quần áo – Sắt quần áo;  đi chơi - đi nhởn

- Lửa – lả ; cháy - chắn; nước – nác; đi cấy - đi cấn; đi gặt - đi cắt

- Hắn – hấn; đó - đớa; kia –tê; đi đâu đấy - đi mô rứa

- Ngứa – ngạ, gãi – khản, củ gừng – củ câng ……

Giọng phát âm của làng Đồng Minh có hơi khác hơn so với hai làng khác trong xã.

* Văn hóa dân gian:

Các cụ kể lại là hoạt động văn nghệ dân gian rất phong phú. Trước đây làng Đồng Bào có gánh hát Bội nổi tiếng, đi diễn ở khắp nơi, đến nay các nghệ nhân đẫ mất. Hiện nay chỉ còn lại một số điệu dân ca như  một số bài hát đối, hát ghẹo các cụ chép lại từ năm 1988:

- Bài hát đối:

Hỏi:                                    Đôi ta như ruộng năm sào

                                     Cái bờ ở giữa làm sao cho liền

Đáp:                                    Muốn liền thì bấng bờ đi

                                      Mạ non cấy xuống làm chi trả liền

Hỏi:                                     Ở đây gần bến xa bờ

                                       Hỏi thăm cá đã vào lờ hay chưa

Đáp:                                    Chàng hỏi thì thiếp xin thưa

                                       Ở đây hạn hán nên cá chưa vào lờ

Hỏi:                                     Ở đây sông bến làng Ngò

                                       Hỏi thăm cá đã vào lờ hay chưa

Đáp:                                     Chàng hỏi thiếp phải xin thưa

                                        Ở đây hạn hán nên cá chưa vào lờ...

 

- Hát Đảo Vũ (cầu mưa):

Sấm đó mưa đây

xã ta đảo vũ một giây mưa liền

Sấm bể mưa rừng

Sấm trên cánh lặng mưa ngàn núi Nưa....

(Cả 2 bài đều ghi theo lời kể của cụ Hà Thị Hơng 88 tuổi. Cụ Nguyễn Nam ghi chép  năm 1988).

- Câu Vè chống quan lại tham nhũng:

“Kiểm Cau, Kiểm cá, Lý Đá, Kiểm Năng”...

- Trò chơi dân gian nổi tiếng là Pháo Ngò, mô tả pháo Ngò:

Pháo Ngò được cấu tạo 4 cây (hoặc nhiều hơn tuỳ theo đội chơi và đội rước), treo ở 4 cây luồng hình vuông có cạnh là 25 cm,  pháo treo từ ngọn cây luồng đến giữa cây luồng, có một con Bọ làm bằng gỗ (tựa như con bọ cạp), người ta đốt lửa vào miệng con bọ cạp, lửa cháy con bò cạp chạy đến cây pháo thứ nhất châm ngòi pháo, pháo nổ hoa cải phun ra, trong hoa cải có các hình người giã gạo, gặt lúa... . Pháo Ngò thường được rước từ làng lên Nghè rồi lại rước từ nghè về làng vào dịp hội mồng mười tháng tư âm lịch hàng năm. Còn có hội thi đốt pháo Ngò giữa 2 làng Ngô Xá Thượng và Ngô Xá Hạ.

Có bài ca Pháo Ngò như sau:

Mừng nay đời có Thanh Minh

Chiềng cang thắc khởi bể kênh lạng thầm

Hoàng triều quí sửu thất niên

Đầu hè thanh lãng 4 biên ca trù

Muôn dân ngày tháng ngao du

Nửa trông mừng thấy đường ngu thái hoa

Đâu đâu thiên hạ nhất gia

Xa gần náo nức xã ta đại đình

Một lòng chí kích, chí thánh chẳng sai

Pháo Ngò tự cổ truyền lai

trên thần truyền xứ truyền ra

rủ lên 3 khối bầu hoa giành giành

Rõ ràng cây pháo phân Minh

bàn quay bàn pháo thiết kinh bàn đèn

Tứ trang bàn nhất thăng thiên

Truyền gia pháo tẩu chạy về tống chi...

(Cụ Nguyễn Nam ghi theo lời kể của cụ Hà Thị Hớng – năm 1988)

          Trong dân gian còn có câu “pháo Ngò, trò Chuộc”, có nghĩa là pháo của làng Ngò nổi tiếng, còn trò chơi thì phải kể đến làng Chuộc (thuộc xã Thiệu Tiến ngày nay).

* Một số sĩ phu yêu nước:

- Ở làng đồng Bào có ông Lê Văn Bạt (Gọi là quan Hàn) tham gia phong trào Cần Vương.

- Ở làng Đồng Chí có ông Hoàng Văn Khải tham gia phong trào Cần Vương bị pháp bắt tù đầy suốt 9 năm ở Côn Lôn.

* Tóm tắt thành tích của địa phương    

- Giai đoạn 1920 - 1930 :

Tiếp bước các bậc tiền bối, các sĩ phu yêu nước, căm phẫn trước chế độ hà khắc của chế độ đế quốc, thực dân, đặc biệt chịu ảnh hưởng của các tư tưởng tiến bộ, một số trí thức trong xã như ông Hoàng Văn Khải (cử nhân), ông Hoàng Văn Huyên (tú tài tây), ông Lê Văn Khiếu, ông Lê Văn Bạt tham gia phong trào Cần Vương, sau đó tham gia phong trào kháng thuế ở Tân Kỳ. Năm 1928 ông Khải ra nhập Tân Việt Đảng, ít lâu sau bị bắt và bị đày đi Côn Lôn.

           Năm 1926, một số thanh niên ưu tú tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê nin đã ra nhập “ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” như ông Hoàng Khắc Trung, ông Hoàng Trọng Phựu, ông Hoàng Trọng Bình. Năm 1927 ông Trung và ông Phựu được cử đi học lớp huấn luyện do chủ tịch Hồ Chí Minh mở tại Quảng Châu - Trung Quốc. Năm 1928 ông Hoàng Khắc Trung là bí thư “ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đầu tiên ở Thanh Hoá. Năm 1930 ông Hoàng Trọng Bình là một trong những Đảng viên đầu tiên của chi bộ Phúc Lộc (tiền thân của đảng bộ huyện Thiệu Hoá)

        - Giai đoạn 1930 - 1945:

        Ngay sau khi Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời, năm 1931 ba làng đã thành lập Chi bộ ghép gồm 5 đảng viên.

       Năm 1934 làng Ngô Xá Hạ và Ngô Xá Thượng đã thành lập chi bộ riêng.

      Từ đó trở đi các phong trào cách mạng ở Thiệu Minh không ngừng lớn mạnh, lần lượt các hội: Tương tế ái hữu, Phản đế cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc ... ra đời, kêu gọi nhân dân đọc sách báo tiến bộ, truyền bá cách mạng, đòi giảm thuế, mở trường học, đòi chia lại ruộng đất, mua vũ khí ủng hộ chiến khu Ngọc Trạo ..., lập thành đội tự vệ bảo vệ cán bộ diễn thuyết ở chợ Đu, chợ Go, chợ Bản, cưa cây, xếp đá trên đường 47 ngăn cản hoạt động của địch .

       Năm 1945, trong cao trào tổng khởi nghĩa, đình Ngô Xá Hạ là nơi tập trung quân đi đánh chiếm phủ Thiệu Hoá và cũng là nơi chuẩn bị lực lượng dự lễ ra mắt của Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hoá ngày 23 tháng 8 năm 1945. 

         Trong suốt 25 năm đấu tranh gành chính quyền, nhân dân Thiệu Minh đã bất khuất, kiên trung, là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ  cán bộ cách mạng. Nhiều đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Tố Hữu, đồng chí Lê Tất Đắc, đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Ngô Đức ... . Số cán bộ cách mạng của xã bị địch bắt là 23 đồng chí, bị giam giữ ở các nhà tù Buôn Mê Thuột, nhà tù Lý Hy, nhà lao Thanh Hoá. Tuy bị địch đánh đập, tra tấn nhưng không khai báo, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cơ sở cách mạng.

      - Giai đoạn 1945 - 1954:

       Ngay từ đầu năm 1945, ở Thiệu Minh phong trào cách mạng đã làm tê liệt, vô hiệu hoá toàn bộ hệ thống chính quyền cũ. Tháng 7 năm 1945 chính quyền do Việt Minh lãnh đạo chính thức thành lập. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, tại nhà ông Hoàng Phương làng Ngô Xá Hạ, đồng chí Lê Tất Đắc, Chủ tịch khởi nghĩa Thanh Hoá viết bản chỉ thị cho các huyện, thị khởi nghĩa giành chính quyền, yêu cầu Nhật hạ vũ khí đầu hàng và tập trung về một điểm do Việt Minh quản lý. Diễn văn của Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời  và mặt trận Việt Minh được đọc trong buổi lễ ra mắt tại Thanh Hoá.

       Đêm 13 tháng 8, Thiệu Minh đã điều động lực lượng hơn 100 người tham gia đánh chiếm Phủ Thiệu Hoá, trong đó có 12 người trong đội cảm tử. Ngay sau ngày 19 /8 /1945 xã có 145 người tham gia vào bộ đội chủ lực.

      Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp hầu hết thanh niên trai tráng đều lên đường nhập ngũ, số chị em phụ nữ, nông dân, thanh niên đều tham gia các đợt dân công phục vụ các chiến dịch Hà Ninh Thanh, Hoà Bình, biên giới Thượng Lào,  Điện Biên Phủ ..., ở địa phương lực lượng dân quân du kích được tổ chức thành 3 trung đội tự vệ, trong đó có 3 tiểu đội thường xuyên trực chiến, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cơ quan của tỉnh đóng  tại địa phương. Sau ngày độc lập, mặc dù giặc đói đang hoành hành nhưng nhân dân trong xã vẫn nhường cơm, xẻ áo để nuôi Tiểu đoàn Nam tiến, cưu mang trường Nguyễn Thượng Hiền trong những năm chống Pháp ác liệt nhất. Hưởng ứng phong trào quyên góp, ủng hộ kháng chiến, nông dân nô nức góp tiền, vàng, lương thực, nhiều đôi vợ chồng tặng cả của hồi môn. Dòng họ Trần thôn Đồng Minh ủng hộ cả tấm gia phả bằng đồng nặng 11 kg.

          Thiệu Minh với ngôi đình Ngô Xá Hạ như một căn cứ vững chắc, an toàn của quân khu 4.

     Trong 9 năm kháng chiến chống pháp Thiệu Minh đã ủng hộ 126 đồng cân vàng, 36 đồng bạc trắng, 549 kg đồng, 79.374 đồng tiền Việt Nam, mua 8.510 đồng công trái Quốc gia, 58.800 đồng công phiếu kháng chiến, 15.929 kg lúa khao quân, dòng họ Trần ở Đồng Minh đã ủng hộ cả bức gia phả bằng đồng... nuôi dưỡng 8 thương binh, mua sắm 139 cây kiếm mác, 6 quả lưụ đạn, 1 khẩu súng, đào gần 2 km giao thông hào, 139 hầm tránh bom, 145 bộ đội, 806 dân công, 81 thanh niên xung phong.

       Cũng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Thiệu Minh bị Pháp ném bom 4 lần, làm 2 người chết, 2 người bị thương, vỡ cống Bi đô, cắt đứt 4 đường giao thông.

        - Giai đoạn 1954 - 1975.

        Viết tiếp truyền thống cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Thiệu Minh đã tiễn đưa 612 người con quê hương lên đường nhập ngũ, 173 thanh niên xung phong, 68 công nhân quốc phòng, thành lập 1 trung đội thuyền nan, 1 đại đội xe thồ để vận tải gạo, vũ khí cho chiến trường. Lực lượng dân quân có 786 người, thành lập 1 trung đội trực chiến ở cầu Lỗ Thượng, 1 tiểu đội trực chiến ở Đò Vả, 1 trung đội trực chiến ở Vạn Hà và 21 người tham gia trực chiến của tỉnh chi viện cho Quảng Bình, đã phối hợp tham gia tác chiến nhiều trận, góp phần tiêu diệt máy bay Mỹ ở tầng thấp, bảo vệ an toàn  cho các mục tiêu.

          Huy động nhân dân đào 2.430 m hào giao thông, 216 ụ súng, hầm chữ A, công sự nổi, trồng hàng chục ngàn cây xanh dọc tuyến giao thông để che mắt giặc.

          Đón nhận nhiều cơ quan, đơn vị sơ tán tại địa phương như: sở Thuỷ lợi, sở Thương nghiệp, Lâm nghiệp, Dược phẩm, Công ty nông sản, trường Đảng Hoàng Văn Thụ, MTTQ tỉnh, tỉnh Đoàn, Công an vũ trang, đoàn An dưỡng, sư đoàn 304.... Nhiều gia đình đã nhường toàn bộ  nhà cửa cho các cơ quan sử dụng trong suốt thời gian chiến tranh.

       Đặc biệt Thiệu Minh đón nhận 253 cháu thiếu niên Lệ Thuỷ - Quảng Bình ra sơ tán, các cháu được thương yêu đùm bọc, học hành và an toàn tuyệt đối.

       Với quyết tâm thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người, thanh niên trong xã nô nức tòng quân giết giặc. Hầu hết các gia đình đều có con em đi bộ đội, tỉ lệ tuyển quân hàng năm luôn ở mức 12-13% dân số. Trai gái từ 16 - 17 tuổi đều lên xã đăng ký tình nguyện vào chiến trường giết giặc. Trong đó phải kể đến 6 trường hợp con độc nhất, con một làm đơn tình nguyện bằng máu cả gia đình cùng ký xin được nhập ngũ. Có 14 gia đình có từ 3 - 6 người cùng nhập ngũ như gia đình ông Hoàng Tiến Văn. Nhiều gia đình chú hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, cháu tiếp tục đi bộ đội rồi hy sinh trong kháng chiến trong chống Mỹ như gia đình ông Nguyễn Duy Đoan, ông Hoàng Tiến Bồi. Anh hy sinh, em tiếp tục lên đường cầm súng trả thù rồi hy sinh như gia đình mẹ Hoàng Thị Chót, mẹ Hoàng Thị Dự, mẹ Lê Thị Loan. Nhiều gia đình cả cha và con cùng ở chung chiến hào như gia đình đại tá Trần Lương Vị, đại tá Hoàng Thanh Tùng, đại tá Hoàng Tiến Mão. Đặc biệt phải kể đến sự hy sinh cao cả của mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Nghệ có 3 con hy sinh cùng một chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, cháu nội tiếp tục hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Và còn biết bao gia đình âm thầm hy sinh, cống hiến sức người, sức của cho tiền tuyến. Tất cả đã góp phần viết nên một Thiệu Minh, quê hương cách mạng, đơn vị anh hùng.

         Trên mặt trận sản xuất, hưởng ứng phong trào mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt, phong trào ba đảm đang, ba sẵn sàng, giỏi tay cày, hay tay súng ... thi đua sản xuất xây dựng HTX đã thực sự trở thành cao trào cách mạng trong mỗi người dân Thiệu Minh. Đội 2 thôn Đồng Bào sáng kiến trồng xen vụ giỏi, cải tiến kỹ thuật, thâm canh khoai lang đạt năng suất tới 9 tấn/ha, được báo cáo điển hình toàn quốc và được tặng huân chương Lao động hạng ba. Năng suất lúa không ngừng được nâng lên: từ 5 tấn năm 1965 lên 6 tấn rồi 7 tấn/ha vào năm 1974. Hàng năm Thiệu Minh thường xuyên huy động lương thực đóng góp cho nhà nước từ 245 - 250 tấn thóc, 10 - 12 tấn  thực phẩm. Bình quân thu nhập đầu người luôn đạt từ 17 - 20 kg/tháng, là một trong những xã có mức sống cao nhất trong huyện. Các công trình phúc lợi giao thông, thuỷ lợi được xây dựng hoàn chỉnh, bảo đảm sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Ngoài giỏi thâm canh ở địa phương, Thiệu Minh còn thực hiện tốt chủ chương của tỉnh phát động giúp nhau cày cấy, cấy cho xong, hàng vụ đều hỗ trợ xã Thiệu Duy, Thiệu Giang hàng trăm ngày công cày, bừa, cấy, gặt ....

        Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, luôn quan tâm tới tiền tuyến, hội phụ nữ viết hàng ngàn lá thư, gửi  hàng trăm gói quà động viên các chiến sĩ mặt trận đường 9 Nam Lào.

      Trong kháng chiến chống Mỹ, xã bị ném bom 9 lần, làm chết 3 người, bị thương 6 người, cháy 2 nhà, 3 khu đồng bị cày xới. Nhà cháy, người chết, ruộng đồng tan hoang, nhưng nhân dân Thiệu Minh không hề nao núng, vẫn hăng say lao động sản xuất, chắc tay cày, hay tay súng bảo vệ quê hương, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu được giao.

NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ MÀ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC CẤP CÁC NGÀNH KHEN TẶNG CHO THIỆU MINH

           Căn cứ vào  những đóng góp của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ. Nhà nước đã tặng cho các tâp thể và cá nhân trong xã:

          - Về tập thể:        Xã được tặng :

+ 1 Huân chương kháng chiến hạng nhất.

          + 1 Huân chương chiến công hạng nhất.

          + 1 Huân chương kháng chiến hạng ba.

          + 1 Huân chương lao động hạng ba.

          + Nhiều năm liên tục được công nhận là đơn vị quyết thắng.

        + Nhiều cờ, bằng khen của Bộ quốc phòng, Trung ương đoàn, quân khu, tỉnh, huyện.

        + Làng Ngô Xá Hạ được tặng Kỷ niệm chương và bằng Có công với nước, đình Ngô Xá Hạ được công nhận Di tích Cách mạng.

          - Đặc biệt, Năm 2005, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Thiệu Minh đã được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu: Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

- Về cá nhân:

          + 9 bà mẹ được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.

+ 843 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại, trong đó:

          1 người được tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh

7 người được tặng thưởng huân chương Độc Lập 

Nhiều người được thưởng huân chương Quân công                  

          + 32 cán bộ được công nhận Lão thành cách mạng, 6 cán bộ Tiền khởi nghĩa, 18 gia đình ân nhân Cách mạng, 12 gia đình có công với nước .

          + 111 liệt sĩ, 51 thương binh, 18 bệnh binh, 8 người nhiễm chất độc da cam.

          + Năm 2017, lần đầu tiên xã thiệu Minh có người vinh dự được Nhà nước phong tặng quân hàm Thiếu tướng, dù trước đó xã Thiệu Minh có đến gần 20 đại tá. Đó là Thiếu tưởng Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh trưởng Binh đoàn 12, người làng Đồng Bào

* Các cụ lão thành cách mạng bị địch bắt tù đày như:

- Ở Đồng Bào có:

+ Cụ Lê Thị Qui, Lê Thị Đủng, Lê Công Mỗi bị bắt giam giai đoạn 1938- 1939.

+ Ông Lê Viết Huy, ông Nguyễn Quang Duyến làm cán bộ huyện Thiệu Hoá.

+ Ông Nguyễn Đình Khôn là cán bộ của tỉnh.

+ Ông Ngô Văn Trung là cán bộ của bộ Nông nghiệp...

- Ở Đồng Chí có:

+ Hoàng Khắc Trung ( là bí thư “ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đầu tiên ở Thanh Hoá.

+ Hoàng Trọng Phựu

+ Hoàng Trọng Bình ( là một trong 5  Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của chi bộ Phúc Lộc (tiền thân của đảng bộ huyện Thiệu Hoá), ông Hoàng Trọng Phựu và Hoàng Trọng Bình là anh em ruột

- Hoàng Tiến Trình (Trung đoàn trưởng đầu tiên của trung đoàn Thanh Hoá)

- Nguyễn Duy Đông (tức Ngô Đức - Phó bí thư tỉnh uỷ Thanh hoá - Huân chương Hồ Chi Minh)

- Hoàng Phương

- Nguyễn Hoa Cương

- Nguyễn Duy Vỹ

- Hoàng Tiến Cuông

- Hoàng Tiến Bẩm

- Hoàng Tiến Bồi (ông Hoàng Tiến Trình, Hoàng Tiến Bẩm, Hoàng Tiến Bồi là 3 anh em ruột)

- Nguyễn Tiến Tỵ

- Nguyễn Tiến Ngư.

- Hoàng Thị Sảng

- Hoàng Thị Lài

- Hoàng Thị Hào

- Hồ Thị Sen

- Hà Văn Nhạn

- Hoàng Thị Gián

- Hoàng Tiến Cầu (được truy tặng huân chương Độc lập)

- Hoàng Khắc Ấp

- Cụ Hoàng Đình Bách là lão thành cách mạng tuy không bị địch bắt tù đày nhưng có nhiều thành tích cống hiến cho cách mạng, sau này làm bí thư huyện uỷ Thiệu Hoá

+ Ở đồng Minh có:

- Cụ Trần Lương Vị bi địch bắt tù đày. (Sau này cụ là đại tá quân đội – Huân chương Độc lập), Cụ Trần Văn Chi Là cán bộ lão thành bị địch bắt tù đày

- Có một số không phải là lão thành nhưng tham gia phong trào bị địch bắt tù đày như: cụ Trần Đức Hán...

                                                            

          NHỮNG NỘI DUNG TRÊN RẤT CÓ THỂ CHƯA ĐƯỢC CHÍNH XÁC HOẶT CÒN THIẾU SÓT, RẤT MONG NHẬN ĐƯỢC SỰ PHẢN HỒI TÍCH CỰC CỦA MỌI NGƯỜI ĐỂ XÃ CHỈNH SỬA, BỔ SUNG, HOÀN THIỆN ĐẦY ĐỦ, CHÍNH XÁC LÀM TÀI LIỆU LƯU TRUYỀN CHO CÁC THẾ HỆ

 

 

 

 

 

 

 

 

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

CHI TIẾT